Cross Docking là một kỹ thuật quen thuộc trong ngành logistics và được áp dụng ngày càng phổ biến trong việc quản lý chuỗi cung ứng. Vậy Cross Docking là gì và mang lại lợi ích gì? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé!
Cross Docking là gì?
Cross Docking là một kỹ thuật được áp dụng trong logistics nhằm giảm bớt công đoạn khi vận hành chuỗi cung ứng. Thay vì thực hiện đầy đủ bốn chức năng chính của hoạt động kho hàng là tiếp nhận, lưu trữ, thu gom đơn hàng và vận chuyển đi thì khi áp dụng kỹ thuật này, doanh nghiệp sẽ bỏ qua chức năng lưu trữ và thu gom. Hai chức năng này được xem là tốn kém nhất do chức năng lưu trữ sẽ tốn nhiều chi phí lưu kho và bảo quản, chức năng thu gom đơn hàng cần được thực hiện thủ công nên sẽ tốn nhiều chi phí nhân công.
Phân biệt Cross Docking và kho lưu trữ hàng truyền thống
Theo quy trình logistics truyền thống, tất cả hàng hóa sẽ được tập hợp và lưu trữ tại kho hàng để chờ cho đến khi có đơn đặt hàng, sau đó hàng hóa mới được đóng gói và gửi vận chuyển đến tay khách hàng. Điều này được hiểu là các sản phẩm sẽ được lưu trữ trước, sau đó mới được khách hàng biết đến và đặt hàng. Vì vậy thời gian lưu kho cũng sẽ lâu và phụ thuộc vào tần suất đặt hàng của khách hàng.
Đối với quản lý logistics áp dụng Cross Docking, việc lưu kho hàng hóa sẽ được bỏ qua. Khách hàng sẽ được biết đến sản phẩm và đặt hàng trước, sau đó hàng hóa mới được đóng gói và vận chuyển đến kho, sau đó là chuyển đến tay khách hàng. Mọi quy trình xử lý đơn hàng sẽ diễn ra nhanh chóng, thậm chí có những kiện hàng chỉ chờ ở Cross Docking trong 1 tiếng trước khi được chuyển đi. Tuy nhiên việc áp dụng kỹ thuật này cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa khâu tiếp nhận và giao hàng vì khách hàng sẽ phải đợi lâu hơn mới nhận được hàng. Vì vậy mà thời gian vận chuyển tối đa cần phải được đo lường chuẩn xác, quá trình vận chuyển phải tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt đã đặt ra trước để tránh kéo dài thời gian vận chuyển, gây giảm trải nghiệm của khách hàng và tổn thất cho doanh nghiệp.
Ưu điểm của Cross Docking là gì?
- Cross Docking giúp doanh nghiệp giảm chi phí lưu trữ hàng tồn kho đáng kể vì loại bỏ những giai đoạn lưu kho trung gian.
- Đẩy nhanh quá trình xử lý đơn hàng và vận chuyển.
- Khi chuyển hàng đi theo đơn đặt hàng thì số lượng hàng hóa cần vận chuyển sẽ ít và không đủ lấp đầy sức chứa của phương tiện chuyên chở. Khi đó, kỹ thuật Cross Docking sẽ gom các lô hàng khác nhau để lấp đầy xe và đưa đi vận chuyển cùng lúc. Từ đó, số lượng xe sẽ giảm xuống giúp tiết kiệm chi phí nhiên liệu và chi phí nhân công.
Cross Docking có bao nhiêu loại?
Cross Docking nhìn chung là các hoạt động liên quan đến việc thu gom và vận chuyển sản phẩm. Để có cái nhìn rõ hơn về ứng dụng của Cross Docking vào logistics, Napolitano đã phân loại chúng thành những loại sau đây:
- Cross Docking sản xuất (Manufacturing Cross Docking): áp dụng trong việc hỗ trợ và thu gom nguyên vật liệu đầu vào để đáp ứng kịp thời cho quá trình sản xuất. Vỉ mỗi doanh nghiệp đều có dự đoán về cung cầu thị trường trong tương lai nên chỉ cần thu gom một lượng hàng hóa đảm bảo đủ cho mỗi đợt sản xuất. Điều này giúp doanh nghiệp không cần dự trữ lượng lớn nguồn nguyên vật liệu sản xuất, tiết kiệm được chi phí kho bãi, từ đó giúp giảm giá thành sản xuất.
- Cross Docking nhà phân phối (Distributor Cross Docking): hoạt động chính của nhà phân phối là thu gom hàng hóa từ các nhà cung cấp khác nhau và bán lại cho khách hàng. Sử dụng Cross Docking sẽ loại bỏ nhu cầu sử dụng kho chứa. Khi có đơn đặt hàng, nhà phân phối sẽ bắt đầu thu gom hàng cho đến khi đầy đủ, đóng vào chung 1 pallet và giao ngay cho khách hàng.
- Cross Docking vận tải (Transportation Cross Docking): dịch vụ vận chuyển không đầy xe chính là một hình thức áp dụng Cross Docking. Đơn vị vận chuyển khi nhận được những đơn hàng nhỏ lẻ sẽ tiến hành phân loại chúng theo số lượng hàng hóa và tuyến đường di chuyển. Sau đó sẽ đi thu gom chúng để đủ lấp đầy xe và tiến hành vận chuyển cùng lúc. Cách làm này giúp tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức và chi phí cho công ty vận chuyển về lâu dài.
- Cross Docking bán lẻ (Retail Cross Docking): nhà bán lẻ sẽ tiếp nhận sản phẩm đến từ nhiều nhà cung cấp khác nhau khi có đơn đặt hàng. Sau đó sẽ thu gom, phân loại chúng trực tiếp trên xe tải và chờ đến khi đầy đủ sẽ chuyển đi ngay cho các cửa hàng bán lẻ cấp thấp nhất.
- Cross Docking cơ hội (Opportunistic Cross Docking): là tiềm năng và cơ hội áp dụng kỹ thuật này trong tất cả các lĩnh vực khác và dành cho mọi loại kho hàng có mong muốn sử dụng Cross Docking. Chỉ cần phát sinh một nhu cầu biết trước như là một đơn đặt hàng, hàng hóa sẽ được thu gom, đóng gói và vận chuyển trực tiếp từ nơi tiếp nhận đến nơi vận chuyển tiếp theo.
Loại hàng hóa nào nên sử dụng kỹ thuật Cross Docking
- Những loại hàng hóa dễ hư hỏng và cần được tiêu thụ nhanh như FMCG, nông sản,... Lý do là vì chúng dễ hỏng nên không thể lưu kho lâu dài, vì vậy việc loại bỏ giai đoạn lưu kho là một điều cần thiết để giúp hàng hóa được tiêu thụ nhanh hơn và tiết kiệm chi phí.
- Hàng hóa chất lượng tốt, không cần điều kiện bảo quản khắt khe, khó bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển sẽ phù hợp với quy trình thu gom và vận chuyển nhanh Cross Docking.
- Các sản phẩm đã được hoàn thiện và sẵn sàng để sử dụng sẽ không cần thông qua các bước xử lý khác. Những sản phẩm này thường đã được dán sẵn mã vạch và chỉ chờ được bán ra cho khách hàng.
- Các sản phẩm đang được quảng bá trên thị trường hoặc đang trong chương trình khuyến mãi.
- Các loại hàng hóa bình ổn về nhu cầu thị trường, không tăng hoặc giảm đột ngột nhu cầu. Điều này có thể hiểu là chúng sẽ được sản xuất với số lượng ổn định nên Cross Docking nhà sản xuất sẽ đáp ứng được kịp thời nguyên vật liệu sản xuất.
- Những sản phẩm đã được đặt sản xuất theo đơn đặt hàng hoặc sản phẩm đã được đóng gói sẵn chờ khách hàng đặt mua.
Nói tóm lại, Cross Docking khi được áp dụng đúng cách giúp giảm thiểu các chi phí đáng kể trong vận hành chuỗi cung ứng. Tuy nhiên doanh nghiệp cũng nên xem xét kỹ về sự phù hợp của hàng hóa và tình hình cung cầu trước khi thực hiện kỹ thuật này để tránh những rủi ro và thiệt hại không đáng có.